Tin bài: Trần Thị Kim Hoa

Rừng phòng hộ Cần Giờ có tổng diện tích 34.813,64 ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ là đơn vị “chủ rừng” chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng phòng hộ Cần Giờ. Ban Quản lý tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng với 07 Phân khu trực thuộc; thực hiện chính sách giao khoán cho 11 đơn vị nhận khoán, 135 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng; hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Phân khu trong công tác tổ chức tuần tra, quản lý trên diện tích rừng được giao khoán.

Trong những năm qua các hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; với mong muốn phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế và tồn tại, cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác tuần tra bảo vệ rừng giữa các hộ dân nhận khoán;

Năm 2006, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã thành lập thí điểm mô hình tổ tự quản với 04 tổ. Năm 2012, Ban Quản lý xây dựng đề án, đề xuất thành lập “Tổ tự quản bảo vệ rừng trong rừng phòng hộ Cần Giờ”. Ngày 23/10/2012, UBND huyện Cần Giờ ký quyết định số 1976/UBND về việc thống nhất nội dung Đề án thành lập Tổ tự quản bảo vệ rừng trong rừng phòng hộ Cần Giờ. Đến nay, sau 15 năm đưa mô hình vào hoạt động đã có 39 tổ tự quản phân bố đều trên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ Cần Giờ.

Mỗi tổ có từ 3 đến 6 thành viên, là các hộ dân có diện tích nhận khoán bảo vệ liền kề nhau, trong tổ có 01 tổ trưởng và các tổ viên, hoạt động theo hình thức tự giác có tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác, phát huy tính chủ động và sức mạnh tập thể để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên rừng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực quản lý; kịp thời nắm bắt và thông tin cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ những vấn đề xảy ra trong địa bàn để có hướng giải quyết kịp thời và đạt hiệu quả cao. Hàng năm, tổ tự quản được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng định kỳ 02 lần nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ tuần tra bảo vệ rừng.

Hàng tháng, tổ có kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất phối hợp tuần tra, kiểm tra diện tích rừng trong tổ; tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ và thành viên trong tổ; tổ chức nắm tình hình an ninh trật tự, tình hình sản xuất, lưu trú của các hộ dân sản xuất dưới tán rừng trong địa bàn; có biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng nghi vấn có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng hoặc có dấu hiệu khả nghi liên quan đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hàng tháng, tổ hợp định kỳ một lần nhằm đánh giá kết quả hoạt động và giải quyết những vấn đề phát sinh của tổ, phổ biến thông tin thời sự, tình hình an ninh trật tự và đề ra nhiệm vụ cho tháng tới.

Từ khi thành lập tổ tự quản, số vụ vi phạm trên diện tích giao khoán cho hộ dân giảm đáng kể; từng bước quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp của rừng ngập mặn Cần Giờ; sự đồng thuận, sự tương trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, nâng chất lượng hoạt động cả về hình thức lẫn quy mô.

Cho đến hôm nay, rừng phòng hộ Cần Giờ được bảo vệ thành công và ngày càng phát triển, một phần có sự hy sinh, cống hiến của hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng và sự đồng lòng của tổ tự quản trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ màu xanh của quê hương - “lá phổi xanh” của thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.