Huyện Cần Giờ có diện tích chiếm gần 1/3 tổng diện tích tự nhiên của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Rừng phòng hộ Cần Giờ chiếm hơn một nửa (1/2) diện tích tự nhiên toàn Huyện; Có ranh giới tiếp giáp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, cộng với mạng lưới sông rạch chằng chịt tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, phức tạp và bất lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng.
Để quản lý và bảo vệ tổng diện tích rừng và đất nông nghiệp hơn 34 ngàn ha. Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ (Chủ rừng) thực hiện chính sách giao khoán rừng cho tổ chức và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ, một phần diện tích do Ban tự tổ chức lực lượng bảo vệ theo chủ trương của Thành phố từ những năm 1983. Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố về giao đất, giao rừng cho các đơn vị quốc doanh, tập thể, hộ nhân dân trồng cây gây rừng và chăm sóc bảo vệ rừng; trên địa bàn rừng phòng hộ Cần Giờ trong hơn 40 năm qua có 17 đơn vị trực tiếp tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; giao khoán mới những diện tích có rừng cho 179 hộ gia đình. Đến nay qua nhiều năm thay đổi về tổ chức, Ban Quản lý Rừng phòng hộ hiện đang giao khoán bảo vệ rừng cho 12 đơn vị nhận khoán và 179 hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại huyện Cần Giờ.
Hằng năm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng đến tất cả các đơn vị trực thuộc, đơn vị và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Tổ chức mô hình hoạt động của các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng theo địa bàn xã thành mô hình bảo vệ của các cụm giáp ranh; không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, tăng cường tần suất phối hợp tuần tra, phân công cụ thể trách nhiệm các đơn vị tham gia trong phát hiện, lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm.
Được sự cho phép của Ủy ban nhân dân huyện, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ thành lập mô hình các tổ tự quản trong các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ tự quản (đến nay tổ chức thành 39 tổ tự quản, mỗi tổ có từ 3 – 5 hộ), thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ - kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng cho các tổ tự quản, tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ và thành viên trong tổ nhằm đánh giá khách quan hoạt động của các tổ tự quản, của các hộ gia đình nhận khoán giữ rừng
Công tác phối hợp tuần tra, truy quét địa bàn giữa chủ rừng với UBND xã, Ban Chỉ huy thống nhất các xã, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng … ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng và hiệu quả. Việc tổ chức các hội nghị giao ban bảo vệ rừng hàng tháng, sơ kết, tổng kết các Quy chế phối hợp giữa Ban với các xã, Quy chế phối hợp cụm giáp ranh, Quy chế hoạt động của tổ tự quản được Ban quản lý, UBND các xã, các đơn vị nhận khoán và các ngành quan tâm thực hiện thường xuyên, qua đó đánh giá được những hạn chế, tồn tại cần khắc phục và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp quản lý tài nguyên, an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn
Trong những năm qua, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày càng giảm về cả số vụ, quy mô cũng như tính chất vụ việc vi phạm. Hằng năm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ luôn chủ động xây dựng phương án tổ chức quản lý bảo vệ rừng nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng theo nội dung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.