Sự phát triển của du lịch Cần Giờ trong thời gian qua

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch tại KDTSQ RNM Cần Giờ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và thu được nhiều kết quả khả quan.

Giai đoạn 2011 – 2016, thu hút trên 3,4 triệu lượt khách tham quan nghỉ dưỡng (bình quân gần 570.000 lượt khách/năm), tăng bình quân 17,4%/năm, tổng doanh thu đạt trên 1.125 tỷ đồng (bình quân 188 tỷ đồng/năm), tăng bình quân 29%/năm. Năm 2016, du khách đến huyện tham quan vượt mốc 1 triệu lượt người (tăng 54% so với cùng kỳ). Doanh thu hoạt động du lịch đạt 380 tỷ đồng.

Riêng năm 2017, du lịch ở Cần Giờ có bước phát triển đáng kể, khách du lịch trong năm đạt 1,55 triệu lượt (tăng 54% do với năm 2016), doanh thu du lịch đạt gần 621 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú và các dịch vụ đạt hơn 186 tỷ đồng (https://www.cangio.hochiminhcity.gov.vn/dulichcangio).

Cầu Dần Xây – Cần Giờ

Các tiềm năng của Cần Giờ đối với phát triển du lịch

Theo kết quả Đề án kiểm kê, đánh giá và quản lý hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn TP.HCM năm 2017 do Sở Du lịch thực hiện, Cần Giờ là địa bàn có lợi thế lớn về tài nguyên du lịch so với tài nguyên 24 quận, huyện của thành phố với 15 tài nguyên được phân loại, xếp hạng [4]. Theo đó, có thể xác định tài nguyên du lịch của Cần Giờ được đánh giá là độc đáo và đa dạng về giá trị thiên nhiên và văn hóa, thuộc 2 nhóm chính là tiềm năng du lịch sinh thái rừng ngập mặn và tiềm năng du lịch biển. Ngoài ra, Cần Giờ còn có tiềm năng kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa, cộng đồng với du lịch sinh thái.

Tiềm năng rừng ngập mặn: Nói đến du lịch Cần Giờ, yếu tố đầu tiên thu hút khách du lịch là cảnh quan tuyệt vời của khu rừng ngập mặn Cần Giờ. Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 200 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và động vật có xương sống khác. Động vật ở đây cũng đa dạng không kém thực vật. Khu hệ động vật thủy sinh không xương sống trên 700 loài, khu hệ cá trên 183 loài, khu hệ động vật có xương sống có 14 loài lưỡng thê, 37 loài bò sát, 19 loài thú. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Tắc kè (Gecko gecko), kỳ đà nước (Varanus salvator)…Khu hệ chim có khoảng 140 loài thuộc 44 họ. Trong đó có 51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau. Đây là một khu rừng mà theo các chuyên gia nước ngoài là được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Rừng ngập mặn Cần Giờ là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái [6].

Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ

Tiềm năng biển: Cần Giờ có bờ biển dài 13km từ mũi Cần Giờ đến mũi Đồng Tranh. Mũi Cần Giờ cách mũi Nghinh Phong Vũng Tàu 10km đường biển băng qua vịnh Ghềnh Rái. Từ bờ biển nhìn ra là một bãi triều rộng hàng cây số khi triều thấp với khoảng cách từ bờ trên 4km ở phía mũi Cần Giờ và trên 1km ở phía mũi Đồng Tranh. Nhìn chung, toàn bãi Cần Giờ là một bãi bồi rộng trên 100km2. Cũng cần phải nói thêm rằng, bãi Cần Giờ là đoạn bờ biển phía Đông cuối cùng của dải bờ biển Việt Nam (tính từ Bắc vào Nam) có khả năng cải tạo phục vụ du lịch , tắm biển. Đi xa hơn xuống phía Nam, bờ biển bị sình lầy khống chế và ít có giá trị phục vụ du lịch- nghỉ ngơi giải trí [7].

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, trong những năm qua, huyện Cần Giờ đã đẩy nhanh tốc độ phát triển một số lĩnh vực kinh tế then chốt như: nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, sản xuất muối, thu hút du lịch, nông nghiệp và một số dịch vụ nhằm đưa dân chúng thoát ra khỏi sự nghèo đói và từng bước đuổi kịp các quận huyện khác của thành phố

Xã đảo Thạnh An – Cần Giờ

Tiềm năng kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa, cộng đồng với du lịch sinh thái

Cần Giờ là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều di tích văn hóa khảo cổ liên quan đến nền văn hóa Óc Eo như nhóm di tích giồng Cá Vồ, giồng Phệt, giồng Am. Đồng thời, nơi đây cũng là vùng đất vang danh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta với nhiều địa danh, di tích lịch sử như Chiến khu Rừng Sác, Bến Đình. Bên cạnh đó, người dân Cần Giờ cũng duy trì nếp sống truyền thống bằng những lễ hội được tổ chức hàng năm như Lễ hội Nghinh Ông, lễ cúng đình thần. Thêm nữa, văn hóa của cộng đồng người dân nơi đây cũng rất phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc bản địa gắn liền với các làng nghề truyền thống như làng chài, làng chiếu, làng muối, làng rừng tạo nên mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với tham quan các trang trại nuôi trồng thủy sản, tham quan mô hình nuôi chim yến, du lịch trải nghiệm (làm diêm dân, trồng rừng)… cũng sẽ được đưa vào phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm giúp du khách tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Chính vì lý do trên, Cần Giờ có đầy đủ tiềm năng về tự nhiên, nhân văn cho việc phát triển du lịch sinh thái góp phần cải thiện đời sống dân địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái rừng ngập mặn.

Tài nguyên du lịch sinh thái tự nhiên

- Địa hình: Địa hình hết sức đa dạng, phức tạp, có kiểu địa hình bờ biển lẫn địa hình đầm lầy; lại có kiểu địa hình đồng bằng, gò đất, cồn cát hay các giồng cát với sự chia cắt mạnh mẽ. Địa hình Cần Giờ là sự tổng hợp của nhiều loại đất, do đó tạo ra nhiều khu sinh cảnh khác nhau trên nhiều loại đất khác nhau.

- Khí hậu: Cần Giờ nằm trong đới khí hậu nhiệt đới, ẩm, gió mùa cận xích đạo với một mùa khô nóng và một mùa mưa ít nóng hơn. Kiểu khí hậu này rất thuận lợi cho động – thực vật rừng ngập mặn phát triển, tạo tiền đề thu hút khách du lịch. Ngoài ra, phần lớn diện tích Cần Giờ được che phủ bởi rừng ngập mặn, kết hợp với tính hải dương (do gần biển) làm cho khí hậu nơi đây điều hòa và dịu mát tạo điều kiện tốt cho việc phục hồi, cải thiện sức khỏe du khách.

- Tài nguyên nước: Hệ thống sông ngòi Cần Giờ rậm rạp, chằng chịt làm nên phong cảnh sông nước hữu tình rất hấp dẫn khách tham quan. Khách du lịch đến nơi đây, ắt hẳn sẽ không quên được cảm tưởng khi du thuyền, tận mắt quan sát đời sống động – thực vật hoang dã. Ngoài ra, do vùng cửa sông giáp biển nên nước sông bị nhiễm mặn là điều kiện tốt cho sinh vật ưa mặn phát triển và cũng là điều kiện thuận lợi cho dân cư tổ chức nuôi trồng thủy hải sản: tôm sú, cá, cua… rất thích hợp với du khách tham quan kiểu miệt vườn.

- Tài nguyên sinh vật: Phong phú, đa dạng ở cả hai phương diện thực vật và động vật, có nhiều loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ thế giới như: cá sấu hoa cà, bồ nông châm xám, rái cá lông mượt… và cũng là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài chim nước [7].

Du khách đi ca-nô tham quan hệ sinh thái RNM Cần Giờ

Tài nguyên du lịch sinh thái nhân văn

- Dân cư – dân tộc: Theo các nhà nhân chủng học thì Cần Giờ xưa kia là nơi nơi trú ngụ của những cư dân cổ sinh, họ sống gần gũi với dân cư thời văn hóa Sa Huỳnh. Khi đến Cần Giờ, du khách sẽ được ngắm nhìn những hiện vật cổ xưa như: mộ chum, các công cụ sản xuất, vũ khí… tất cả các di tích này đã và đang được khai quật để triển lãm cũng như nghiên cứu khoa học.

- Di tích văn hóa khảo cổ:
+ Nhóm di tích giồng Am: nằm ở Cần Thạnh cách UBND huyện 200m về hướng Nam. Những năm gần đây, do việc đắp đường nối liền tuyến Nhà Bè – Cần Giờ, nên giồng Am đã bị phá hủy một phần. Hiện di chỉ khảo cổ này có trên 6.289 hiện vật, chất liệu hiện vật được làm duy nhất từ đất nung.
+ Nhóm di tích giồng Phệt: Tọa tạc trên một giồng đất đỏ thuộc xã Long Hòa, diện tích của giồng khoảng 10.000 m2, di tích này cao hơn mực nước biển 1 – 2 m, nằm giữa rừng ngập mặn um tùm, nhiều luồng lạch.
+ Nhóm di tích giồng Cá Vồ: Diện tích khoảng 7.000 m2 nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh (Long Hòa), đây là di tích có quy mô khá lớn và khá nguyên vẹn. Năm 1993, một hố thám sát đã được mở ở phía Bắc của giồng, phát hiện 38 mộ chum (23 mộ còn cốt) bằng gốm và nhiều đồ trang sức cũng làm từ gốm.

Một số hiện vật được phát hiện tại khu di tích Núi Đất (Nguồn: Nguyễn Thị Hậu, 2011)

- Di tích văn hóa – tôn giáo – tín ngưỡng:
+ Chùa: Chùa ở đây thuộc 3 nhánh: Giáo phái Lâm Tế (chùa Thạnh Phước); Giáo phái Tịnh Độ (chùa Hưng Lợi và Hưng Cần); Giáo phái Xuất Gia.
+ Thánh thất: Hầu hết các khu dân cư ở CG đều có thánh thất – cơ sở tôn giáo của đạo Cao Đài. Các thánh thất Cần Giờ, có dáng dấp và hình thức tương đối giống nhau. Biểu tượng thờ của đạo là lấy Thiên Nhãn, nhưng thực tế đạo thờ những biểu tượng hòa đồng giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Nho giáo.

Thánh thất Cao Đài trên đảo Thạnh An

+ Nhà thờ: Thiên Chúa giáo du nhập vào Cần Giờ khoảng thế kỉ 19 do một số người theo đạo Thiên Chúa ở nơi khác đến đây cư trú và người Pháp sau này đến truyền đạo.
+ Đình: CG có 7 ngôi đình, người dân nơi đây thờ những người có công khai phá đất hoang hay những người tổ chức, bảo vệ cuộc sống yên ổn cho dân làng.
+ Miễu: Cần Giờ có nhiều miễu như: Sua Đũa, Nhất, Nhị, Đá Giăng, Bình Khánh, Lý Nhơn…. Các miễu được xây dựng với quy mô nhỏ, kiến trúc cổ xưa và hầu hết di dời nhiều lần.
+ Lăng Ông: CG có 2 lăng (lăng Ông Thủy Tướng ở Cần Thạnh và lăng Ông ở đảo Thạnh An), thờ bộ xương cá voi (cá Ông) được ngư dân rất sùng bái, tôn kính. Họ gọi đây là thần Nam Hải Đại Tướng quân – vị thần trên biển có công cứu giúp người bị nạn và phù hộ cho con người những mùa bội thu no ấm. Ngày nay, lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng tổ chức ở thị trấn Cần Thạnh (ngày 15/8 âm lịch hàng năm) là lễ hội chính thức của cư dân ven biển.

- Di tích lịch sử:
+ Bến Đình: Đây là nơi thờ ông Dương Văn Hạnh, người làng Lý Nhơn vì muốn bảo vệ Trương Định nên bị giặc Pháp bắt, chém đầu tại bến sông Soài Rạp. Sau đó, nhân dân đã lập đình làng để thờ ông gọi là Bến Đình.
+ Di tích chiến khu Rừng Sác: Cần Giờ có căn cứ cách mạng như: căn cứ địa Giồng Chùa (Thạnh An), chiến khu trù mật Động Hang Nai (cạnh sông Đồng Tranh), căn cứ địa Núi Đất (Lý Nhơn)…. Đặc biệt, có khu căn cứ địa cách mạng với hệ thống hầm di động thuộc khu vực Lâm viên CG.

Mô hình tái hiện căn cứ cách mạng tại chiến khu Rừng Sác (Nguồn: dulich.dantri.com.vn)

- Các làng nghề:
+ Làng chiếu: Làng này nằm ở xã Tam Thôn Hiệp, nơi đây có các ngôi nhà ven sông chứa những sợi cói khô được dùng để đan thành chiếu. Nguyên liệu làm chiếu là những cây cói tròn, mọc tự nhiên hay được trồng trên những cánh đồng gần đấy. Hiện làng còn không tới 10 hộ dệt chiếu, họ bỏ nghề vì nhiều lý do: đi làm ăn xa, đào ao nuôi tôm làm mất diện tích đất trồng cói, giá thành chiếu thấp không đủ cho chi phí sản xuất….
+ Làng chài (xóm lưới): Tập trung ở bến chài Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An hay các bến đò nơi có tàu, thuyền, ghe, xuồng đánh bắt cá trở về mỗi khi sáng sớm hay chiều tối.

Người dân nuôi Hàu tại Cần Giờ

+ Làng muối: du khách về ấp Tân Điền (Lý Nhơn), gần khu DL Vàm Sát, hay đường từ Đảo Khỉ ra bãi biển 30/4 thuộc xã Long Hòa, vào mùa khô sẽ bắt gặp hai bên đường những ruộng muối trắng xóa. Đặc biệt, hạt muối xã Lý Nhơn vươn cánh bay xa ra cả nước và xuất khẩu qua EU. Làng muối cần khẩn trương cải tạo, nâng cấp… không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng muối mà còn làm cho nghề muối trở thành điểm đến cho du khách.

Người dân thu hoạch muối ở xã Lý Nhơn – Cần Giờ

+ Làng rừng: gồm những hộ làm nghề rừng (trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng), tập trung ở Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Lý Nhơn.

Bữa cơm của hộ bảo vệ rừng

Những làng nghề cần được giữ gìn, tôn tạo, phát triển, vì đó là một trong những lý do du khách đến tham quan hay muốn tìm hiểu về Cần Giờ.

- Các lễ hội:
+ Lễ hội Nghinh Ông: Hàng năm vào dịp trung tuần tháng 8 âm lịch, cư dân từ các nơi lại lần luợt đổ về thị trấn Cần Thạnh để dự lễ hội Nghinh Ông. Các vị lão ngư tại thị trấn Cần Giờ kể rằng: “Vào cuối thế kỉ 19, nơi đây xảy ra nhiều huyền thoại về cá voi như: Giúp người đi biển vượt qua nhiều tai nạn, từ việc cứu thuyền bị đắm cho đến cứu người bị nạn đang trôi dạt tìm đường vào bờ thoát chết…. Những huyền thoại này, làm cho lòng tin và sự biết ơn thành một tín ngưỡng phổ biến khắp vùng biển Cần Giờ nói riêng và các miền duyên hải khác nói chung. Bà con lúc bấy giờ đã lập lăng thờ sau khi một con cá voi bị nạn và chết trôi dạt vào bờ biển Cần Giờ. Sau đó, bà con xin triều đình ban sắc thần để thờ”. Việc tổ chức lễ hội Nghinh Ông nhân dịp Tết Trung thu, chính là sự cầu nguyện cho mùa vụ sản xuất ngư nghiệp được bình yên và gặp nhiều may mắn.

Lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ (Nguồn: www.sggp.org.vn)

+ Ngoài ra, Cần Giờ còn có những lễ hội như: Lý Nhơn cúng đình thần Dương Văn Hạnh vào 16 tháng 12 âm lịch; Long Hòa tổ chức lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng vào ngày 15 tháng 3 âm lịch….

- Những tập quán cổ truyền: Cần Giờ có tục thờ những vị tiền hiền khai phá đất hoang, những người yêu nước và thờ cúng tổ tiên.

Sản phẩm du lịch

KDTSQ RNM Cần Giờ đã hình thành và xây dựng được một số sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ cho nhiều dạng du khách khác nhau, sau đây là 6 sản phẩm du lịch tại KDTSQ RNM Cần Giờ:

- Một là, du lịch đường sông được khai thác 2 tuyến chính: tuyến 1 từ bến đò Phú Xuân – Cửu Long Phi (Tam Thôn Hiệp) – Dần Xây – Trạm Văn phòng Phân khu 1 (sông Dừa) – Trạm Văn phòng Phân khu 2 (sông Đồng Tranh) – Thiềng Liềng – Gồng Chùa – Đồng Đình – Tắc Xuất; tuyến 2 từ bến đò Phú Xuân – Dần Xây – Đầm Dơi – KDL Vàm Sát. Bên cạnh đó, khai thác thêm các tour chèo thuyền kayak khám phá biển, rừng ngập mặn, các hoạt động giải trí như lội bùn, bắt hải sản, trồng rừng, cắm trại.

Du khách đi ca-nô tham quan hệ sinh thái RNM Cần Giờ

- Hai là, du lịch sinh thái biển với 3 mô hình KDL sinh thái Hòn Ngọc Phương Nam, Công ty Du lịch sinh thái biển Tiếng Sóng, công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ. Ngoài ra còn có 10 tổ chức, cá nhân và 1 chợ hải sản kinh doanh dọc theo bờ biển.

Chợ Hải sản Hàng Dương – Cần Giờ

- Ba là, du lịch sinh thái rừng đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách với 3 khu chính bao gồm: Khu DLST Vàm Sát, Khu Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác và Khu du lịch sinh thái Dần Xây.
- Bốn là, du lịch văn hóa, tín ngưỡng như Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Khu Di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ, Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, Đình Cần Thạnh, Lăng Ông Thủy Tướng Cần Thạnh, Đình Dương Văn Hạnh, và Đình Bình Khánh.
- Năm là, du lịch sinh thái nông nghiệp với diện tích khoảng 28.710 ha đất nông, lâm, ngư nghiệp nên đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp.
- Sáu là, du lịch hội nghị kết hợp với nghỉ dưỡng với 02 khu resort đạt chuẩn 3 sao.

Năm 2015 toàn huyện có 7 doanh nghiệp lữ hành, 31 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, 13 nhà hàng và 18 cơ sở lưu trú, 1 cơ sở mua sắm và 2 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ du khách.