Người viết: Tuyết Nhung

           Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là lá phổi xanh của Tp. Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong việc chắn sóng, hạn chế sạt lở, bảo vệ đất đai và hệ sinh thái tự nhiên, mà còn là nơi sống, cư trú và sinh sản của nhiều loài động vật trong đó có rất nhiều loài thủy sản.

           Với mạng lưới sông ngòi dày đặc và đan xen nhau, được lắng đọng, bồi đắp phù sa từ hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, kết hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, cùng chế độ bán nhật triều với mỗi ngày có hai lần nước lớn, nước ròng, rừng ngập mặn Cần Giờ nuôi dưỡng và tạo ra nguồn thủy sản phong phú mang giá trị kinh tế cao. Có thể kể đến như các loài tôm cua, ốc, hàu và đa dạng các loài cá.

           Địa bàn huyện Cần Giờ tiếp giáp với nhiều tỉnh, nguồn lợi thủy sản từ rừng ngập mặn mang đến không chỉ đáp ứng cho ngư dân địa phương mà cả các ngư dân vùng phụ cận như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai. Từ đó, nghề đánh bắt, khai thác và nuôi trồng thủy sản góp phần tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

           Mỗi ngày, ước tính có hàng ngàn lượt người dân tham gia khai thác thủy sản trên các tuyến sông, rạch trong và xung quanh bìa rừng ngập mặn. Bên cạnh những hoạt động đánh bắt truyền thống, vẫn có một số ngư dân sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính hủy hoại môi trường sinh thái rừng, gây suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản và trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập, lợi ích chung của phần lớn ngư dân cũng như tình hình an ninh trật tự và kinh tế huyện Cần Giờ.

           Vì thế, khi tham gia các hoạt động khai thác thủy sản trong rừng ngập mặn, người dân cần tuân thủ thực hiện theo các quy định, hướng dẫn dưới đây để tránh vi phạm pháp luật cũng như bảo vệ môi trường rừng, đảm bảo nguồn thủy sản khai thác bền vững, lâu dài.

           -  Không sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

           - Không sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Không nuôi, thả ra môi trường tự nhiên các loài ngoại lai hoặc nằm ngoài Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

           - Không vứt bỏ ngư cụ như lưới, dây câu, phao hoặc các loại rác thải nhựa, túi ni long, bao đựng thức ăn xuống vùng nước tự nhiên, sông rạch trong rừng ngập mặn. Nên thu gom, tập trung rác thải và mang vào bờ bỏ vào điểm thu gom rác đúng quy định.

           Một số nghề, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản mà người dân cần biết:

           - Nghề đăng mé, nghề lồng xếp hay còn gọi là bung, lợp xếp, bát quái;

           - Nghề lưới kéo, cào đáy;

           - Các nghề sử dụng lưới có kích thước mắc lưới không đúng quy định.

           - Đặc biệt, thời gian gần đây, trong địa bàn rừng phòng hộ xuất hiện hình thức đánh bắt thủy sản được gọi là đăng nò hay tên gọi khác là dớn.            Đây là loại hình gồm hệ thống lưới và các cọc gỗ được lắp đặt cố định tại khu vực có dòng chảy lớn để bẫy, bắt các loài thủy sản một cách liên tục, không chọn lọc. Khi thủy triều lên xuống, các loại cá, tôm từ nhỏ đến lớn sẽ theo dòng nước bị cuốn vào dớn và mắc kẹt. Dẫn đến các loài thủy sản nhỏ, kể cả trứng, ấu trùng đều bị giữ lại và chết đi, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, mất cân bằng sinh thái trong rừng phòng hộ Cần Giờ. Việc sử dụng dớn còn gây cản trở giao thông đường thủy. Cho nên, khuyến cáo người dân không được sử dụng loại hình đăng nò (dớn) để khai thác trên các tuyến sông rạch trong rừng phòng hộ. Nếu người dân nào đang khai thác dớn thì nên dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ.

           Điều 27 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-42-2019-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thuy-san-367439.aspx)

           Các ngư dân hãy chung tay bảo vệ môi trường rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì lợi ích lâu dài của chính mình.

 

 

Hình ảnh: Ngư dân sử dụng Bung (lợp) là ngư cụ bị cấm khi đánh bắt thủy hải sản

 

 

 

 

Hình ảnh: Ngư dân sử dụng Ghe Cào (đây là nghề, ngư cụ bị cấm khi khai thác thủy hải sản

 

 

 

 

Hình ảnh: Ngư dân sử dụng Dớn là ngư cụ bị cấm khi đánh bắt thủy hải sản