Tin bài: Kim Hoa

            Rau bui, một loài thực vật trong Rừng ngập mặn Cần Giờ; là loại cây bụi đa niên cao khoảng từ 01 đến 05 m, thân non có khía mọc ven bìa rừng, nơi đất cao ít ngập triều trong các kiểu rừng ngập mặn; lá hình trứng mọc đối, bìa lá có răng cưa, mũi lá nhọn dài; hoa mọc thành chùm màu vàng, 4 cánh nhỏ, nhọn, phía ngoài là vòng hoa cái với một cánh hoa lớn; qủa hình giọt nước ngược đính trên đế, qủa khô phát tán nhờ gió và động vật nên chúng phân bố rộng trên các tiểu khu trong Rừng phòng hộ Cần Giờ góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học hệ sinh thái nơi đây.

Đặc điểm hình thái cây rau bui

            Ngoài ra, lá cây rau bui được dùng làm thuốc trị nổi mầy đay bằng cách lấy 3 nắm lá đậm, vắt, rồi pha đường (hoặc muối) để uống; giã đắp lên vết cắt, sâu bọ đốt, các chỗ đau sưng và dãn tĩnh mạch, đắp vào bụng phụ nữ sau khi sinh; trị đái ra máu và thông tiểu; rễ dùng trị rối loạn về âm đạo, bệnh lậu hoặc sỏi thận.

            Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, rau bui là loại rau chính của lực lượng bộ đội đặc công Rừng Sác với phương thức chế biến chủ yếu là luộc; vì thế người dân địa phương quen gọi là rau “bộ đội”; theo năm tháng, rau “bộ đội” được sử dụng và chế biến với đa dạng các món ăn khác nhau: luộc ăn kèm với kho quẹt hoặc xào với tôm, chem chép hay thịt bò đem lại mùi vị ngọt thanh; còn nếu cầu kì thêm chút xíu, rau
“bộ đội” nấu lẩu với tôm đất dầm thì vô cùng bắt vị và có tác dụng thanh nhiệt cao.

            Nếu muốn thưởng thức được trọn vẹn hương vị của rau “bộ đội”, quý vị có thể đến Nhà hàng Hoa Đước - Khu Du lịch sinh thái Dần Xây thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ./.