Nguồn: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Cần Giờ
Chiều ngày 8 tháng 8 năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần giờ tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển Hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần giờ (1978 – 2023).
Đến dự có đồng chí Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố; đồng chí Nguyễn Ngọc Mười, Phó Tham mưu trưởng BCH Bộ đội Biên phòng Thành phố cùng các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, các Nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Khu dự trữ sinh quyển, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, Ban Quản lý rừng, các tổ chức, Trường Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu về rừng ngập mặn. Về phía huyện Cần Giờ có đồng chí Lê Minh Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Tính, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Đoàn Văn Sơn, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, các phòng ban chuyên môn, các đơn vị, các đồng chí Nguyên là lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, Nguyên lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện, các Trạm Kiểm lâm, cùng lãnh đạo 11 đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng; đại diện các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng.
|
|
|
Lễ kỷ niệm 45 năm khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (1978 - 2023) có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, ghi nhận và tôn vinh thành qủa lao động miệt mài, sáng tạo, gian khổ, kể cả hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thành phố nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng, các ngành, các cấp, các tổ chức cá nhân trồng rừng và bảo vệ rừng, các đơn vị phối hợp hỗ trợ trong công tác quản lý bảo vệ rừng; từ đó, để nâng cao nhận thức và hành động tiếp tục bảo vệ và phát triển thành quả ấy tương xứng với tầm vóc của một công trình thể hiện ý Đảng, lòng dân đã được kết tinh trong suốt quá trình phục hồi lại môi trường sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Năm 1978, huyện Cần Giờ tiếp nhận hiện trạng rừng ngập mặn và đất lâm nghiệp là 34.468 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp 5.588 ha, đất trống và bùn khô nứt nẻ 10.000 ha, Chà là 4.500 ha và 14.380 ha cây bụi rải rác với độ che phủ dưới 40%. Với những khó khăn về điều kiện tự nhiên như: đất đai bị thoái hóa nghiêm trọng; dân cư thưa thớt, nghèo khó, không đủ lao động để trồng rừng trên diện rộng; điều kiện cung ứng hậu cần phục vụ trồng rừng rất khó khăn… Yêu cầu đặt ra là công tác thiết kế, xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật trồng rừng phải được thực hiện một cách kỹ càng và đảm bảo đúng yêu cầu khoa học kỹ thuật, rừng sớm phủ xanh đạt chất lượng tốt, tiết kiệm vật tư, giảm chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cán bộ, chuyên gia kỹ thuật của địa phương và ngành Lâm nghiệp thành phố, bằng ý chí, sức lực của cán bộ thành phố và cán bộ, người dân huyện Cần Giờ đã biến khu đất hoang hóa trơ trụi thành những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn xanh tốt hôm nay và là môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động thực vật phục hồi trở lại, sinh sống và phát triển tốt.
Vào ngày 21/1/2000, Tổ chức UNESCO công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Đây là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, mang lại niềm tự hào, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân Thành phố nói riêng và của cả nước nói chung nằm trong mạng lưới 368 Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Đồng chí Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố cho biết, rừng ngập mặn Cần Giờ ngày nay không chỉ là tài sản quý giá của Thành phố Hồ Chí Minh và của riêng Việt Nam mà còn là tài sản chung của cả nhân loại trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm của Thành phố, của mỗi người dân phải tiếp tục xây dựng, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ ngày càng đa dạng, bền vững. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, huyện Cần Giờ cần tập trung triển khai thực hiện các quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quy chế quản lý rừng, chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn Thành phố; xây dựng phương án “Quản lý rừng bền vững đối với rừng phòng hộ Cần Giờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”; trong đó, chú trọng định hướng phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ theo hướng đa dạng sinh học và thực hiện các chương trình hoạt động dài hạn nhằm quản lý tổng hợp, sử dụng bền vững rừng phòng hộ Cần Giờ, trình UBND Thành phố phê duyệt; thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn Thành phố; đặc biệt, lưu ý bám sát việc cập nhật thông tin các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng cảng biển, du lịch sinh thái…
Dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố khen thưởng cho 29 hộ giữ rừng đã có nhiều thành tích trong đợt hoạt động Kỷ niệm 45 năm khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (1978 - 2023); UBND huyện khen thưởng cho 24 tập thể, 78 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình 45 năm khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tin Liên Quan

Kỳ họp thứ mười bảy kỳ họp chuyên đề...
April 23, 2025
TRAO TẶNG ĐÈN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI CHO LỰC...
April 19, 2025
THỰC HÀNH KỸ NĂNG SƠ CẤP CỨU VÀ TÌM KIẾM...
April 21, 2025